Trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước thay đổi cách thức vận hành của báo chí và xuất bản, là công cụ hỗ trợ sản xuất nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm, tăng tương tác độc giả và hiện đại hóa quy trình xuất bản.
AI trong báo chí – lợi ích rõ ràng, thách thức không nhỏ
Chuyển đổi số đã và đang trở thành nhu cầu thiết yếu với ngành báo chí Việt Nam trong bối cảnh AI bùng nổ mạnh mẽ. Theo chiến lược quốc gia, đến năm 2025, báo chí nước ta phải trở thành một hệ thống truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn và đủ sức dẫn dắt dư luận xã hội. Trong mục tiêu ấy, AI đóng vai trò vừa là động lực, vừa là thách thức không nhỏ.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), hơn 60% cơ quan báo chí đã và đang ứng dụng hoặc có kế hoạch ứng dụng AI, tăng gấp đôi so với năm 2023. Trong đó, các ứng dụng phổ biến nhất là chỉnh sửa tiêu đề, biên tập nhanh, tạo đồ họa tự động, phân tích hành vi độc giả và dịch thuật.
AI đang từng bước thay đổi cách thức vận hành của báo chí và xuất bản. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng nhận định, nhiều tòa soạn vẫn tập trung quá mức vào khâu sản xuất nội dung mà chưa đầu tư đúng mức cho các ứng dụng phục vụ nghiên cứu hành vi độc giả hay xây dựng mô hình kinh doanh bền vững. Sự thiếu vắng một chiến lược tổng thể khiến AI ở nhiều nơi chỉ được sử dụng theo kiểu “tự phát”, cấp độ cá nhân, dẫn đến hiệu quả hạn chế.
Đáng chú ý, vấn đề đạo đức và trách nhiệm trong sử dụng AI cũng nổi lên khi công cụ này ngày càng được tích hợp sâu vào quy trình làm báo. Nếu không kiểm soát chặt, AI có thể bị lạm dụng để tạo ra nội dung sai lệch, xâm phạm quyền riêng tư, thậm chí thao túng dư luận. Các chuyên gia khuyến nghị, mỗi tòa soạn cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng với AI, đảm bảo tính minh bạch, chính xác và tôn trọng các giá trị báo chí truyền thống.
Một ví dụ điển hình là Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy), với việc phát triển ứng dụng dịch thuật riêng biệt giúp cá nhân hóa nội dung theo định hướng tòa soạn. Theo Tổng thư ký Đào Quang Bính, dữ liệu huấn luyện được kiểm soát nội bộ, đảm bảo không sử dụng nguồn không xác thực từ AI bên ngoài. Việc cá nhân hóa nội dung theo hướng phù hợp với độc giả mục tiêu đang giúp tăng năng suất lao động, đồng thời giữ được bản sắc báo chí của đơn vị.
Ngành xuất bản hiện đại hóa nhờ AI
Không chỉ báo chí, ngành xuất bản cũng đang đẩy mạnh ứng dụng AI trong toàn bộ quy trình biên tập, in ấn, phát hành và truyền thông. Tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, AI được xác định là một trong ba đột phá chiến lược đến năm 2030.
Phó Giám đốc Nhà xuất bản Nguyễn Thái Bình cho biết, đơn vị đang đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời từng bước xây dựng một nền tảng AI riêng, phục vụ nhu cầu chuyên biệt của xuất bản sách chính trị, lý luận. Nhờ AI, thời gian biên tập và xử lý nội dung được rút ngắn đáng kể, trong khi chất lượng ấn phẩm vẫn đảm bảo, đáp ứng nhanh các yêu cầu truyền thông trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật viên được đào tạo sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, phần mềm thiết kế thông minh, phân tích nội dung, hỗ trợ viết và lập kế hoạch truyền thông. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa công việc hằng ngày mà còn nâng cao khả năng thích ứng của đội ngũ với công nghệ mới.
Ông Trần Khánh Tư – CEO Công ty Cổ phần đào tạo trực tuyến Unica, Chủ tịch Học viện AI Việt Nam nhận định: “AI không thay thế người làm nội dung, mà là cánh tay nối dài giúp họ làm việc hiệu quả, sáng tạo và cá nhân hóa hơn”. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh và cấu hình AI sao cho phù hợp với đặc thù công việc, thay vì dùng một cách rập khuôn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ “greenwashing công nghệ” khi AI được sử dụng như một chiêu trò quảng bá, nhưng thực chất không giúp cải thiện chất lượng nội dung hay năng lực xuất bản. Vì vậy, cần có sự đánh giá nghiêm túc, lựa chọn chiến lược công nghệ phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi của từng cơ quan báo chí, xuất bản.
AI đang mở ra chương mới cho báo chí và xuất bản Việt Nam. Nhưng cũng như mọi công nghệ khác, hiệu quả phụ thuộc vào cách con người sử dụng nó. Tư duy chiến lược, đầu tư bài bản, chuẩn hóa quy trình, minh bạch dữ liệu và đào tạo con người là những yếu tố không thể thiếu nếu muốn biến AI thành động lực đổi mới thực sự. Trong tương lai gần, các nền tảng AI “nội địa hóa” có thể trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng, giúp báo chí và xuất bản Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn định hình những chuẩn mực mới về chất lượng và đạo đức nghề nghiệp trong thời đại số.
Theo VietQ