Sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo hiện nay đang ngày càng khẳng định vị thế của AI trong nền kinh tế hiện đại. Với khả năng quản lý và phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo giúp các nhà phân tích dữ liệu dễ dàng phát hiện ra những xu hướng tiềm năng và hỗ trợ ra quyết định kinh doanh hiệu quả hơn. Chính vì vậy, để phủ rộng trí tuệ nhân tạo đến mọi lĩnh vực trong đời sống, Hiệp hội vật liệu và thử nghiệm Hoa Kỳ (ASTM International) đã sửa đổi tiêu chuẩn trước đó nhằm tang cường đảm bảo an toàn cho các sản phẩm tiêu dùng được kết nối (F3463). Tiêu chuẩn này thuộc thẩm quyền của ASTM, ủy ban sản phẩm tiêu dùng (F15) và đã được sửa đổi để bao gồm hướng dẫn về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
“Trước khi đưa một sản phẩm tiêu dùng sử dụng AI ra thị trường, cần phải tiến hành các quy trình đánh giá an toàn”, ông Travis Norton, thành viên ASTM, giám đốc chiến lược nội dung và đổi mới tuân thủ thuộc công ty Compliance & Risks cho biết. “Hướng dẫn sửa đổi này cung cấp thông tin chi tiết về các yêu cầu an toàn sản phẩm, các cân nhắc về thiết kế và trách nhiệm của các bên liên quan”.
Ông Norton cũng lưu ý thêm, “Có những cân nhắc độc đáo đối với AI mà phiên bản trước của tiêu chuẩn này không đề cập đến. Ủy ban kỹ thuật của chúng tôi đã xem xét các nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng AI trong các sản phẩm tiêu dùng cũng xem xét, so sánh sự khác biệt về độ an toàn giữa sản phẩm AI và các phương pháp tiếp cận truyền thống.”
Theo ông Norton, bản sửa đổi này thể hiện nỗ lực của ủy ban nhằm giải quyết các vấn đề đặc biệt do AI nêu ra với hy vọng cung cấp thêm hướng dẫn cho ngành về cách đánh giá tính an toàn của AI cho ứng dụng sản phẩm tiêu dùng trong tương lai.
Mối lo ngại về an toàn, an ninh bảo mật về sản phẩm tiêu dùng có tích hợp AI cũng được nhiều chuyên gia quan tâm, bởi cho đến hiện tại, AI chưa hẳn đã được bảo mật an toàn tuyệt đối, sẽ có những vấn đề nảy sinh trong quá trình sử dụng, như: hệ thống trục trặc, các biện pháp an toàn không đầy đủ, sự hiểu lầm của người dùng và các lỗ hổng an ninh mạng. Những vấn đề này có thể dẫn đến những tác động xấu không mong muốn, dẫn đến một số thiết bị thông minh có thể bị hỏng hóc hay vấn đề an toàn, bảo mật trong các thiết bị này bị ảnh hưởng. Đảm bảo an toàn cho các sản phẩm tiêu dùng được hỗ trợ bởi AI đòi hỏi một cách tiếp cận mới giải quyết các thách thức độc đáo do AI đặt ra, chẳng hạn như tính phức tạp của hệ thống, khả năng học liên tục và tương tác giữa con người và AI.
Điều này cũng đòi hỏi phải các nhà chuyên môn liên tục cập nhật kiến thức và nghiên cứu, cũng như có sự đồng hành, hợp tác giữa các bên liên quan để đánh giá liên tục và quản lý các rủi ro đang phát triển của các sản phẩm này.
Các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ sản phẩm tiêu dùng được kết nối AI cũng có các nghĩa vụ cụ thể tìm hiểu về sản phẩm, bao gồm: an toàn theo thiết kế, đánh giá an toàn, thử nghiệm phần mềm và thu thập dữ liệu sự cố từ đó có sự điều chỉnh sản phẩm hay có những kiến nghị kịp thời đối với các nhà chuyên môn.
Mặt khác, tiêu chuẩn F3463 cũng được áp dụng để đảm bảo các cân nhắc và xác minh phù hợp cho việc thử nghiệm sản phẩm. Các cơ quan quản lý có thể thúc đẩy việc sử dụng hướng dẫn này cho ngành công nghiệp và các ngành liên quan, trong trường hợp không có quy định cụ thể về sản phẩm, mặt khác, tiêu chuẩn còn cho phép sử dụng hướng dẫn để kiếm tra các sự cố thiết bị trong quá trình thử nghiệm./.
Để biết thêm thông tin về các tiêu chuẩn, Quý doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm Thông tin – Truyền thông theo số điện thoại: (024)37564268 hoặc (024)37562608; Fax: (024)38361556;
Email: ismq@tcvn.gov.vn