Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được Quốc hội thông qua chiều 18/6/2025, theo đó đã đổi mới phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025, Nghị quyểt số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.
Lãnh đạo Quốc hội và Tổ soạn thảo chụp ảnh lưu niệm tại Hội trường
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được xây dựng đổi mới phương thức quản lý chất lượng như sau:
Thứ nhất, Luật đã đề xuất thay đổi căn bản trong phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa: chuyển từ phân nhóm hành chính (nhóm 1, nhóm 2) sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo ba mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao) để quản lý, theo hướng giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc phân loại rủi ro dựa trên mức độ tác động đến sức khỏe, môi trường, khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng và cảnh báo từ tổ chức quốc tế, đồng thời tính đến khả năng quản lý của cơ quan nhà nước trong từng thời kỳ. Đây là bước chuyển căn bản từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình quản trị dựa trên dữ liệu và đánh giá khoa học, thể hiện tư tưởng cốt lõi lấy khoa học công nghệ làm công cụ quản trị quốc gia. Ngoài ra, Luật cũng đã bổ sung quy định về nguyên tắc hậu kiểm nhằm tạo cơ sở thống nhất giữa các Bộ, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ hai, Luật cũng đã rà soát quy định về áp dụng pháp luật và nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã xác lập rõ cơ chế phân công, phân cấp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, theo đó giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chung. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo phân công, bảo đảm rõ trách nhiệm và tránh chồng chéo trong tổ chức thực hiện. Chính phủ sẽ quy định nguyên tắc phân loại và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên mức độ rủi ro, theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa chỉ do một Bộ, ngành quản lý.
Thứ ba, Luật đã quy định xây dựng một nền tảng số quốc gia duy nhất về chất lượng sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình và có mức độ rủi ro cao. Đây sẽ là hạ tầng kỹ thuật chính thức, nơi cơ quan quản lý tác nghiệp, doanh nghiệp kê khai, người dân giám sát.
Thứ tư, Luật đã bổ sung quy định về hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhận), kiểm tra và xây dựng chính sách. Đây là hạ tầng kỹ thuật của quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong nước, đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Không có hạ tầng chất lượng thì không thể có hàng hóa chất lượng cao, không thể hội nhập sâu, không thể đổi mới sáng tạo thành công. Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia trên nền tảng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan kiểm tra chất lượng, hải quan, truy xuất nguồn gốc, phản ánh người tiêu dùng và cảnh báo quốc tế để nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo sớm.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với đoàn Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia bên hành lang Quốc hội
Thứ năm, Luật đã bổ sung quy định quản lý chất lượng hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, trong đó làm rõ trách nhiệm của người bán và trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian phục bị giao dịch điện tử trong việc bảo đảm chất lượng hàng hóa. Người bán phải công khai trung thực thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chủ quản nền tảng số trung gian phải có biện pháp kiểm tra, xử lý đối với hàng hóa vi phạm pháp luật về chất lượng; thiết lập và vận hành hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thứ sáu, Luật đã chỉnh sửa, bổ sung tăng chế tài, công khai vi phạm trên nền tảng số quốc gia để răn đe và phòng ngừa; bổ sung quy định những hành vi nghiêm cấm như thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm, hàng hóa; kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt trên nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, gây nhầm lẫn hoặc lừa dối người tiêu dùng.
Thứ bảy, Luật đã bổ sung quy định hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để xuất khẩu như hỗ trợ tư vấn, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế; thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng…
Thứ tám, Luật đã bổ sung quy định tăng cường sự tham gia của tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc tham gia khảo sát độc lập, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, kiến nghị và phối hợp kiểm tra. Điều này thúc đẩy giám sát xã hội và kiểm soát quyền lực công.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thể hiện sự chuyển hướng rõ nét trong tư duy lập pháp: từ quản lý hành chính cứng nhắc sang quản trị rủi ro, từ khuyến khích sang chế tài hợp lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả thực thi pháp luật mà còn góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm công bằng, minh bạch trên thị trường. Việc Quốc hội thông qua Luật này cho thấy quyết tâm đổi mới trong hoàn thiện thể chế, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để Việt Nam từng bước hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng một xã hội tiêu dùng có trách nhiệm, hướng đến phát triển bền vững.
Theo VietQ