Tiêu chuẩn mềm là sự nhìn nhận của người tiêu dùng và tiêu chuẩn kỹ thuật phải phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế đang được thừa nhận rộng rãi trên thị trường thế giới. Đạt được điều này doanh nghiệp mới có thể nói tiếp câu chuyện đường dài trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Từ khi Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đầu tiên được ban hành (năm 1962), cho đến nay, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam không ngừng được phát triển và ngày càng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Hiện, hệ thống TCVN của nước ta đã có hơn 13.000 TCVN, đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trên 60%.
Hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính thuận lợi, không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu đồng thời khẳng định được trình độ chất lượng để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.
Nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa, các chuyên gia cho rằng, cần có bộ đôi tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn mềm là sự nhìn nhận của người tiêu dùng và tiêu chuẩn kỹ thuật phải phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế đang được thừa nhận rộng rãi trên thị trường thế giới. Đạt được điều này doanh nghiệp mới có thể nói tiếp câu chuyện đường dài.
Mặt khác, để hàng Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng trên mọi thị trường, thì chắc chắn các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình thông qua việc xây dựng một hạ tầng chất lượng bền vững trên cơ sở tiêu chuẩn hóa.
Hạ tầng chất lượng này cần được cấu thành bởi: Hệ thống tiêu chuẩn công ty đồng bộ bao quát mọi hoạt động của doanh nghiệp từ sản xuất, kinh doanh, quản lý tổ chức đến các vấn đề an toàn, môi trường, trong đó các tiêu chuẩn về sản phẩm và dịch vụ cần hài hòa tối đa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, phù hợp với nhu cầu của thị trường và chiến lược của công ty;
Hệ thống đo lường, thử nghiệm và hiệu chuẩn tại cơ sở cần có trình độ tiên tiến, hài hòa với quốc tế, đảm bảo tốt việc kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh; Công nghệ phù hợp với trình độ phát triển khoa học công nghệ hiện hành và đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn và cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của thị trường; Cần có lộ trình cụ thể để phát triển hạ tầng chất lượng của doanh nghiệp phù hợp với năng lực tài chính và mục tiêu kinh doanh trong từng thời kỳ./.