Hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản chứa chất phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (Norm) hiện ngày càng gia tăng vì những lợi ích kinh tế mang lại. Tuy nhiên, các hoạt động này có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người và môi trường. Trước thực trạng này, việc ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 23:2023/BKHCN đã phần nào giảm thiểu tác hại này.
Thực trạng chất thải phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên
Chất thải phóng xạ có nguồn ngốc tự nhiên hay chất thải chứa nhân phóng xạ tự nhiên là chất thải chứa nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên. Chất thải phóng xạ Norm còn đến từ bề mặt trái đất hay do các quá trình tự nhiên hoặc do các hoạt động của con người như trong quá trình khai thác mỏ, dầu khí, khoáng sản…Lượng nhỏ Norm có thể có trong nguyên liệu thực vật và trong than đá; các thiết bị xử lý nước ngọt hoặc nước thải…
Ở Việt Nam, chất thải Norm trong sa khoáng đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp khai thác và chế biến sa khoáng ven biển. Hơn 95% thị trường zirconium yêu cầu zircon ở dạng zirconium silicate. Khoáng chất này được sử dụng chủ yếu trong các xưởng đúc, sản xuất vật liệu chịu lửa và công nghiệp gốm sứ. Ngoài ra công nghiệp chế biến quặng photsphát hoặc quặng bô xit, chế biến dầu mỏ vẫn chưa được xem là công nghiệp chế biến quặng có liên quan đến Norm. Các chất thải sinh ra từ các quá trình sản xuất này vẫn được xem là chất thải rắn công nghiệp hoặc chất thải rắn công nghiệp độc hại và chịu sự chi phối của các chính sách quản lý tương ứng, trong đó yếu tố phóng xạ chưa được quan tâm. Theo nguyên tắc chung, mức năng lượng của phóng xạ càng cao thì càng có nhiều khả năng gây hại.
QCVN 23:2023/BKHCN về chất thải chứa các nhân phóng xạ
Để giúp quản lý và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn bức xạ, ngày 25/5/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BKHCN Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chất thải chứa các nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (QCVN 23:2023/BKHCN).
Thông tư chính thức có hiệu lực từ 15/7/2023. Theo đó, Quy chuẩn trên quy định về hoạt động quản lý chất thải Norm phải bảo đảm an toàn bức xạ theo quy định nêu tại Thông tư số 19/2012/TT- BKHCN ngày 08/11/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Không được bổ sung các thành phần không chứa chất phóng xạ vào chất thải Norm nhằm mục đích giảm nồng độ hoạt động của phóng xạ trong chất thải Norm để đạt được tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường.
Về quản lý quặng đuôi Norm phát sinh từ hoạt động khai thác, chế biến quặng urani, quặng thori, đất hiếm, sa khoáng titan và ngành công nghiệp liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến sa khoáng titan phải được quản lý theo quy định nêu tại Thông tư số 41/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Về quản lý chất thải Norm dạng lỏng phải được thu gom và xử lý theo một hoặc một vài biện pháp kỹ thuật: Bốc hơi, lọc, trao đổi ion, kết tủa hoặc keo tụ thẩm thấu…và phải bảo đảm phương pháp xử lý phù hợp với đặc tính của chất thải Norm dạng lỏng.
Quản lý về Norm dạng rắn phải được thu gom, phân tách khỏi chất thải phóng xạ. Chất thải không được chứa thành phần có thể gây phản ứng hóa học hoặc gây nổ trong quá trình nén. Về đóng gói phải được bao kín hoàn toàn bằng bao bì. Vận chuyển phải bảo đảm an toàn bức xạ theo quy định nêu tại Thông tư 23/2012/TT-BKHCN ngày 23/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn. Việc lưu giữ chất thải Norm phải xem xét tới nguy cơ sóng thần, khả năng ngập lụt…. Địa điểm lưu trữ phải bảo đảm khoảng cách an toàn cho môi trường và nhà dân../.