Các tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng bằng cách đảm bảo việc đầu tư nhanh chóng, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được tiến hành theo cách tối đa hóa hiệu quả, bảo vệ sức khỏe con người và hành tinh.
Thế giới sẽ không thể đối phó với biến đổi khí hậu nếu không có quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Một loạt vấn đề xảy ra trong ba năm qua đã tác động nghiêm trọng đến hệ thống năng lượng quốc gia và khu vực. Giá năng lượng tăng cao ngất ngưởng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp.
Tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới đã tăng 42% từ năm 2000 đến 2019, bao gồm mức tăng 45,8% trong tiêu thụ khí đốt tự nhiên. Khí đốt là nguồn năng lượng phổ biến vì nó là loại nhiên liệu hóa thạch sạch nhất (mặc dù nó vẫn giải phóng khí nhà kính khi đốt cháy), dễ dàng lưu trữ và các nhà máy chạy bằng khí đốt có thể được bật hoặc tắt tương đối nhanh chóng để đáp ứng với các điều kiện thời tiết theo mùa hoặc nhu cầu ngắn hạn. Nhưng tác động toàn cầu của đại dịch Covid-19 cùng với xung đột vào năm 2022 đã tạo ra một “cơn bão” về nhu cầu cao, nguồn cung không ổn định và giá cả tăng vọt.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã làm tăng thêm tính cấp bách mới đối với nhu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn tái tạo. Nhiều quốc gia đang cố gắng bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá cao hơn bằng cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Trong khi năm 2021 là một năm kỷ lục về việc bổ sung công suất tái tạo tăng 6% và câu hỏi vẫn còn đó: Liệu các nguồn tái tạo có thể theo kịp nhu cầu năng lượng ngày càng tăng không?
Cần tăng tốc hơn nữa
Với tốc độ tiến bộ hiện tại và nếu không có hành động mạnh mẽ, thế giới vẫn khó có thể hoàn thành mục tiêu của Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 7 nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng vào năm 2030. Thiếu cơ sở hạ tầng sẵn có do trở ngại và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây là một trong những rào cản lớn đối với việc đạt được SDG 7.
Vẫn còn quá sớm để nói tác động của sự biến động ngắn hạn đối với triển vọng của năng lượng tái tạo. Giá khí đốt tăng đã cải thiện khả năng cạnh tranh của các nguồn năng lượng tái tạo mặc dù chi phí lắp đặt năng lượng mặt trời và gió mới tăng nhưng đóng góp thực tế của năng lượng tái tạo vào hỗn hợp năng lượng sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ và chất lượng của việc triển khai chính sách mới.
Tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng
Nhu cầu về năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Rất may, đã có những tiến bộ rõ ràng trong lĩnh vực được minh họa bằng sự đa dạng hóa nhanh chóng các nguồn năng lượng như gió, mặt trời, nước, phản ứng tổng hợp hạt nhân, địa nhiệt và năng lượng sinh học. Các tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng bằng cách đảm bảo rằng việc đầu tư nhanh chóng và phát triển các nguồn này được tiến hành theo cách tối đa hóa hiệu quả và bảo vệ sức khỏe con người và hành tinh. Thế giới cần thực hiện điều này ngay từ đầu để ngăn chặn sự bất ổn hơn nữa và tăng cường an ninh năng lượng cho tương lai.
Theo báo cáo Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả năm 2022 của Diễn đàn kinh tế thế giới, cả khu vực tư nhân và khu vực công cần có hành động khẩn cấp để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng linh hoạt nhằm giải quyết các thách thức đối với sự bền vững môi trường, an ninh năng lượng, công bằng năng lượng và khả năng chi trả. Nó kêu gọi các chính phủ, công ty và người tiêu dùng tăng cường nỗ lực điều hướng quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm cả việc sử dụng tiêu chuẩn. Ngày nay, có thể đạt được mức giảm phát thải đáng kể tại nhiều khu công nghiệp, miễn là các công ty được trang bị đầy đủ tiêu chuẩn, quy trình và công cụ để quản lý khí thải.
Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ rẻ hơn so với việc tiếp tục hiện trạng và đầu tư lớn hơn, tham vọng hơn vào các nguồn tái tạo là chìa khóa để thúc đẩy an ninh năng lượng toàn cầu. Quá trình chuyển đổi thành công sẽ cần các chiến lược dựa trên cơ sở khoa học để đảm bảo có thể đạt được các mục tiêu. Vai trò của ISO là khá quan trọng trong lĩnh vực này. Từ quyền triệu tập đến tập hợp các bên liên quan, ISO có khả năng phác thảo bức tranh toàn cảnh về quá trình chuyển đổi năng lượng trên quy mô toàn cầu.
Theo VietQ