Tin tức
Trang chủ   /   Tin tức   /   EC thông qua quy tắc quản lý về cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới

EC thông qua quy tắc quản lý về cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua các quy tắc quản lý về việc thực hiện Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) trong giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu từ 1/10/2023 kéo dài đến hết năm 2025.

Quy định về Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) được công bố mới đây đã nêu chi tiết các báo cáo chuyển tiếp đối với những nhà nhập khẩu, phân phối hàng hóa CBAM của Liên minh châu Âu (EU), cũng như phương pháp chuyển tiếp để tính toán lượng khí thải nhúng được giải phóng trong quá trình sản xuất hàng hóa CBAM.

Trong giai đoạn chuyển tiếp của CBAM, các thương nhân sẽ chỉ cần báo cáo về lượng khí thải trong hàng nhập khẩu của họ theo cơ chế mà không phải trả bất kỳ khoản điều chỉnh tài chính nào. Điều này sẽ cung cấp đủ thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị hoàn chỉnh, đồng thời cho phép tinh chỉnh phương pháp chính xác vào năm 2026.

Để hỗ trợ những đơn vị nhập khẩu và sản xuất ở các nước thứ ba, Ủy ban châu Âu cũng đã công bố hướng dẫn mới đối với các nhà nhập khẩu tại EU và các cơ sở ngoài EU về việc triển khai thực tế các quy định này. Đồng thời, ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin chuyên dụng để giúp các đơn vị nhập khẩu thực hiện và báo cáo chính xác theo quy định. Các phương pháp tính toán này hiện đang được phát triển, đi kèm với các tài liệu đào tạo, hướn dẫn và hội thảo trên website để hỗ trợ các doanh nghiệp khi cơ chế chuyển đổi bắt đầu. Mặc dù các nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu thu thập dữ liệu quý IV kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2023, nhưng báo cáo đầu tiên của họ sẽ chỉ phải gửi trước ngày 31 tháng 1 năm 2024.

Trước khi được Ủy ban châu Âu thông qua, Quy định trên đã được tham vấn trong cộng đồng và sau đó được Ủy ban CBAM, bao gồm các đại diện từ các quốc gia thành viên EU, phê duyệt. Đây là một trong những trụ cột trung tâm của Chương trình nghị sự “Fit for 55” ( Chương trình nghị sự “Fit for 55” là kế hoạch do Ủy ban châu Âu soạn thảo gồm hàng chục dự thảo văn bản luật nhằm chuyển đổi nền kinh tế châu Âu từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang một thế giới không phát thải ròng, mức ô nhiễm thấp và phương tiện giao thông chạy bằng pin) đầy tham vọng của EU. Vì vậy, CBAM là công cụ mang tính bước ngoặt của EU nhằm chống rò rỉ carbon. Tình trạng rò rỉ carbon thường xảy ra khi các công ty có trụ sở tại EU lợi dụng các tiêu chuẩn về carbon thấp hơn tại các nước khác và chuyển quy trình sản xuất sử dụng nhiều carbon sang đó, dẫn tới tình trạng suy yếu nghiêm trọng khí hậu, đồng thời làm gia tăng ô nhiễm môi trường trên toàn cầu./.