Tin tức
Trang chủ   /   Tin tức   /   Phương pháp đo chiều sâu cacbonat hoá bê tông theo TCVN 13933:2024 hạn chế ăn mòn

Phương pháp đo chiều sâu cacbonat hoá bê tông theo TCVN 13933:2024 hạn chế ăn mòn

Cacbonat hóa là kết quả của quá trình hòa tan CO2 trong chất lỏng lỗ rỗng của bê tông và phản ứng này với canxi từ canxi hydroxit và canxi silicat hydrat để tạo thành canxit (CaCO3). Cacbonat hóa bê tông có liên quan đến sự ăn mòn cốt thép và co ngót. Do đó việc đo chiều sâu của cacbonat hóa theo tiêu chuẩn là vô cùng quan trọng giúp hạn chế tình trạng ăn mòn. 

Bê tông có tính thấm và cho phép khí quyển xâm nhập. Carbon dioxide phản ứng với kiềm và tạo thành cacbonat do đó làm giảm giá trị pH. Nếu bề mặt cacbonat thấm sâu vào bê tông và tiếp cận bề mặt cốt thép, sự bảo vệ bị mất và thép bắt đầu bị ăn mòn vì cả độ ẩm và oxy đều có thể bắt đầu phản ứng ăn mòn thép. Như vậy, vấn đề này cần được quan sát và lường trước trong quá trình thi công các công trình, đặc biệt với các kết cấu cần sự ổn định lâu dài, đảm bảo tuổi thọ bền vững. Do đó việc đo chiều sâu cacbonat hoá bê tông theo tiêu chuẩn là điều quan trọng.

Theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13933:2024 bê tông – phương pháp đo chiều sâu cacbonat hoá do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra phương pháp đo chiều sâu cacbonat hóa bê tông đúc, mẫu bê tông lấy từ kết cấu hoặc cấu kiến.

Về nguyên tắc tiêu chuẩn này hướng dẫn nên sử dụng dung dịch phenolphthalein phun lên bề mặt mẫu bê tông cần đo (bề mặt mẫu bê tông được bửa ra), chiều sâu cacbonat hóa được xác định bằng cách đo khoảng cách từ bề mặt mẫu tới phần bê tông xuất hiện màu đỏ tím. Dùng dung dịch phenolphtalein hòa tan 1,0 g phenolphthalein tinh thể trong 90 mL ethanol 95 độ và bổ sung nước cất để tạo ra 100 mL dung dịch. Trong trường hợp mẫu bê tông khô có thể hoà tan 1,0 g phenolphthalein tinh thể trong 70 mL ethanol 95 độ và bổ sung nước cất để tạo ra 100 mL dung dịch.

Ngay sau khi xử lý xong bề mặt đo, dùng bình xịt phun ngay thuốc thử lên bề mặt đo sao cho dung dịch không bị nhỏ giọt. Nếu không thực hiện phép đo ngay sau khi bề mặt đo được xử lý xong, cần bịt kín bề mặt đo bằng màng bọc hoặc vật liệu thích hợp để tránh bề mặt đo có thể bị cacbonat hoá và không đo được chiều sâu cacbonat hóa chính xác khi bề mặt đo để lâu trong không khí.

Trong mọi trường hợp, giá trị chiều sâu cacbonat hóa lớn nhất cần được đo và ghi riêng biệt với các giá trị đo khác. Nếu phát hiện thấy bất kỳ sự bất thường nào, như lỗi trong cấu trúc của kết cấu bê tông tại vị trí xuất hiện giá trị lớn nhất, cần ghi lại điều này.

Tiến hành đo chiều sâu cacbonat hóa bằng cách đo khoảng cách từ bề mặt bê tông đến phần màu đỏ tím với độ chính xác 0,5 mm. Khi đo trực tiếp trên bề mặt của kết cấu bê tông, độ chính xác của phép đo có thể là 1 mm. Phép đo được thực hiện sau khi phần màu ổn định (phần màu không thay đổi). Nếu bê tông quá khô và màu đỏ tím không rõ ràng, có thể sử dụng bình xịt phun một lượng nhỏ nước lên trên bề mặt đo đã phun thuốc thử, hoặc phun lại thuốc thử, sau đó tiến hành đo.

Nếu có các hạt cốt liệu hoặc lỗ rỗng lớn tại vị trí đo tiến hành đo trên đường thẳng nối các vị trí cacbonat hóa ở cả hai đầu của hạt cốt liệu hoặc lỗ rỗng. Chiều sâu cacbonat hóa trung bình được xác định bằng cách chia tổng giá trị đo cho số điểm đo và làm tròn đến một chữ số thập phân, đơn vị đo mm.

Để biết thêm thông tin về các tiêu chuẩn, Quý doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm Thông tin – Truyền thông theo số điện thoại: (024)37564268 hoặc (024)37562608; Fax: (024)38361556;

Email: ismq@tcvn.gov.vn