Dịch vụ
Trang chủ   /   Dịch vụ   /   Tiêu chuẩn về tải trọng và tác động

Tiêu chuẩn về tải trọng và tác động

Tại Quyết định số 1342/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã hủy bỏ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2737:1995 và thay thế bằng TCVN 2737:2023.

TCVN 2737:2023 là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất trong hệ thống tiêu chuẩn thiết kế, kết cấu. TCVN 2737:2023 kế thừa TCVN 2737:1995 và cập nhật nhiều nội dung mới. Trong đó, có những nội dung bổ sung rất quan trọng, do đó, chúng ta cần phải cập nhật ngay các quy chuẩn, tiêu chuẩn để áp dụng vào thực tế.

Về những điểm mới trong TCVN 2737:2023 – Tải trọng và tác động, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trải qua 25 năm sử dụng, TCVN 2737:1995 nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng, phục vụ công tác thiết kế xây dựng công trình trong giai đoạn ngành xây dựng nước ta phát triển rất mạnh cả về chất và lượng, hội nhập sâu và rộng với quốc tế.

Tuy nhiên, TCVN 2737:1995 vẫn còn tồn tại một số vấn đề do thời gian rất lâu không được soát xét (25 năm); hoạt tải gara (lớn), thiếu hệ thống trực thăng, xe cứu hỏa…; hệ số độ tin cậy, tổ hợp tải trọng, tải trọng gió số liệu cũ, phương pháp tính… Do đó, tại Quyết định số 1342/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định hủy bỏ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2737:1995 và thay thế bằng TCVN 2737:2023.

TCVN 2737 : 2023 – Tải trọng và tác động: Tiêu chuẩn thiết kế do Viện Khoa học công nghệ xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về tải trọng, tác động và các tổ hợp của chúng dùng trong tính toán kết cấu của nhà và công trình theo các trạng thái giới hạn nhóm 1 (thứ nhất) và nhóm 2 (thứ hai) phù hợp với TCVN 9379.

Tải trọng động đất và tổ hợp tải trọng có tải trọng động đất được quy định trong TCVN 9386. Các tác động địa kỹ thuật được quy định trong các tiêu chuẩn về thiết kế nền nhà và công trình, cũng như các tiêu chuẩn khác về địa kỹ thuật có liên quan. Các tải trọng xuất hiện trong quá trình thi công và sử dụng công trình, cũng như trong quá trình chế tạo, bảo quản và vận chuyển kết cấu xây dựng, cũng cần được kể đến khi thiết kế.

 Ảnh minh hoạ

Các tải trọng và tác động khác không nêu trong tiêu chuẩn này (các tải trọng công nghệ đặc biệt; tải trọng rung do tất cả các loại phương tiện giao thông; tải trọng do tích tụ bụi công nghiệp; tác động do độ ẩm, co ngót, v.v…) được quy định trong các tiêu chuẩn khác về thiết kế kết cấu và nền hoặc trong nhiệm vụ thiết kế hoặc các tài liệu kỹ thuật chuyên ngành.

Trong đó, TCVN 2737:2023 có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về tài liệu viện dẫn; thuật ngữ, định nghĩa và ký hiệu; yêu cầu chung; phân loại tải trọng; tổ hợp tải trọng… Về xác định tải trọng do thiết bị, vật liệu và sản phẩm chất kho, TCVN 2737:2023 bổ sung Bảng 2: Giá trị tiêu chuẩn của tải trọng lên sân khu vực kho; điều chỉnh Bảng 2 (cũ) thành Bảng 3 của Dự thảo. Về tải trọng phân bố đều, điều chỉnh Bảng 3 thành Bảng 4 của dự thảo; bổ sung thêm một số khu vực, bỏ giá trị thành phần dài hạn.

Trong mục tải trọng tập trung và tải trọng lên lan can, đối với tải trọng do phương tiện giao thông, bổ sung tải trộng phân bố đều và tải trọng tập trung lên gara ô tô; bổ sung tải trọng do trực thăng, tải trọng va chạm do xe nâng.

Về tải trọng gió, TCVN 2737:2023 thay đổi phương pháp tính; điều chỉnh công thức tính, đặc biệt sử dụng hệ số gió giật G1; điều chỉnh Bảng giá trị W cho phù hợp với QCVN 02:2022/BXD; điều chỉnh lại hệ số k và đưa ra công thức tính; bổ sung hệ số khí động cho một số dạng công trình trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn Nga, châu Âu; bổ sung quy định thí nghiệm ống thổi khí động. Ngoài ra, TCVN 2737:2023 cũng bổ sung độ võng và chuyển vị…

Theo VietQ